Cụ thể, phần bên trong cửa xe của các mẫu xe được thử nghiệm có những tùy chỉnh nhằm giảm thiểu nguy cơ khi va chạm, giúp cửa xe không bị gãy, vỡ tạo thành dạng sắc nhọn có thể làm bị thương người trên xe khi túi khí bên bung ra.
Việc tùy chỉnh xe cho quá trình thử nghiệm không được áp dụng tương tự cho xe bán ra, cả hai hãng cho biết hôm 28/4.
Toyota Vios, hay Yaris Ativ tại Thái Lan, là xe có liên quan tới bê bối mới nhất của hãng Nhật
Chủ tịch hội đồng quản trị Toyota, Akio Toyoda, nói hai hãng đang điều tra cách mà các ốp bên của mẫu Vios (hay Yaris Ativ ở một số thị trường khác) và một số mẫu xe khác đã được thay đổi để thử nghiệm an toàn. Ông Toyoda cũng xin lỗi về thứ mà ông gọi là một sự vi phạm "không thể chấp nhận" đối với niềm tin của khách hàng.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ ai là người đã thay đổi phần cửa xe để thực hiện các thử nghiệm, và làm cách nào mà hành động này được biết đến trong nội bộ Daihatsu, cũng như liệu các quản lý cấp cao có dung túng hành vi này hay không.
Toyoda cũng nói rằng hãng đang điều tra chi tiết, những ý định thực sự phía sau và tìm cách ngăn hành động này tái diễn. Quá trình này sẽ cần thời gian để có kết quả cuối cùng, theo người đứng đầu hội đồng quản trị hãng.
Daihatsu nói họ phát hiện ra hành động gian lận sau một báo cáo tố giác. Hãng cũng cho biết đã báo cáo sự việc với các cơ quan có thẩm quyền và dừng giao hàng đối với các mẫu xe có liên quan.
Các sản phẩm liên quan gồm Toyota Vios (Yaris Ativ sản xuất ở Thái Lan từ tháng 8/2022) và Perodua Axia sản xuất ở Malaysia từ tháng 2.
Trong tổng số hơn 88.000 xe, thì chủ yếu là Vios, với khoảng 76,000 xe được sản xuất cho những thị trường Thái Lan, Mexico, và các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, Daihatsu cho biết.
Còn lại khoảng 11.800 xe là Axia do Daihatsu sản xuất tại một nhà máy liên doanh với hãng Perodua của Malaysia. Những xe này bán ở Malaysia.
Daihatsu nói họ có thể thực hiện các thử nghiệm an toàn với sự chứng kiến của đại diện của các cơ quan có thẩm quyền và khẳng định độ an toàn của các mẫu xe trước khi lại tiếp tục giao hàng.
Sự việc này là cuộc khủng hoảng đầu tiên dưới thời chủ tịch mới của Toyota, Koji Sato - người vừa lên nắm quyền từ Toyoda vào ngày 1/4.
"Chúng tôi phải tìm ra nguyên nhân của những gì đang diễn ra, gồm cả việc thẩm tra môi trường, và sẽ hành động thích hợp để giải quyết nguyên nhân sâu xa", Sato nói.
Toyoda - người ngồi ở ghế chủ tịch Toyota vào năm 2010 khi một loạt lệnh triệu hồi khiến chính phủ Mỹ phải mở các cuộc điều tra - nói ông muốn tất cả nhân viên của tập đoàn Toyota hiểu rằng "làm ra những chiếc xe tốt hơn" cần cam kết nói ra mọi vấn đề họ gặp phải. "Chúng ta không thể bỏ chạy hay trốn tránh việc này", Toyoda nói.
Daihatsu - hãng chuyên sản xuất xe cỡ nhỏ - từng thuộc sở hữu hoàn toàn của Toyota vào năm 2016 khi Toyoda đang là chủ tịch.
Bê bối này xảy ra khi Toyota đang đẩy mạnh việc sản xuất sau những khó khăn về việc thiếu linh kiện, đối mặt với áp lực phải nhanh chóng ra mắt các mẫu xe điện có chi phí cạnh tranh cũng như phải tìm cách tăng doanh số ở Trung Quốc, một thị trường trọng điểm của hãng.
Cẩm nang doanh nghiệp Việt - https://camnangdoanhnghiep.vn/. All Right Reserved
https://camnangdoanhnghiep.vn/. giữ bản quyền trên website này
Email: mediavietnam9999@gmail.com