Theo trang CNBC, trong báo cáo mới đây về triển vọng kinh tế khu vực châu Âu mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết một số thị trường nhà ở châu Âu đã bắt đầu điều chỉnh giảm, nhưng xu hướng này vẫn có thể đảo chiều khi các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất cao hơn nữa.
Dữ liệu từ Văn phòng thống kê châu Âu Eurostat cho thấy giá nhà đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2015. Trên khắp Liên minh châu Âu, giá nhà giảm 1,5% trong quý 4 vào năm 2022 so với khoảng thời gian 3 tháng trước đó.
"Những điều chỉnh không theo trật tự trong thị trường bất động sản ở châu Âu diễn ra dù nền kinh tế đã tránh được tình trạng kiệt quệ tài chính rộng lớn hơn. Một số quốc gia châu Âu đã tiến hành điều chỉnh thị trường nhà ở, chẳng hạn như ở Cộng hòa Séc, Đan Mạch, cũng như ở Thụy Điển, nơi giá nhà đã giảm hơn 6% vào năm 2022," Quỹ IMF cho biết.
Theo IMF, giá nhà ở giảm nhưng có thể sẽ tăng nhanh nếu thị trường định giá lại rủi ro lạm phát và khi điều kiện tài chính thắt chặt hơn dự kiến. Những đợt giảm giá này sẽ có tác động bất lợi đến bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình và ngân hàng. Trong khi đó, các khoản thanh toán thế chấp cũng có thể tăng lên khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất trong nỗ lực giảm mức lạm phát. Do đó, những người đi vay có thể có ít thu nhập khả dụng hơn để chi tiêu, và ở một số trường hợp, thậm chí họ có thể không đủ khả năng hoàn trả các khoản vay. Trong khi đó, các ngân hàng cũng có thể gặp khó khăn trong tình cảnh nợ xấu gia tăng.
"Các vấn đề chung về giá nhà tồn tại ở khắp mọi nơi, không chỉ ở các quốc gia có nợ cao. Vì vậy vấn đề này cần được giải quyết với sự giám sát cẩn thận hơn", Alfred Kammer, Giám đốc bộ phận châu Âu của IMF nhận định.
Lạm phát tăng
Nhìn chung, thị trường bất động sản châu Âu đang rơi vào trì trệ, mặc dù nhu cầu nhà ở vẫn cao. Thị trường đi xuống đã tác động xấu tới ngành xây dựng. Lạm phát cao và lãi suất tăng cũng làm chậm quá trình xây dựng nhà mới. Các thống kê cũng chỉ ra những thách thức lớn hơn với lạm phát. IMF dự kiến lạm phát chung sẽ ở mức trung bình 5,3% trong khu vực đồng euro trong năm nay và 2,9% vào năm tới - cao hơn dự kiến 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Sự chững lại của thị trường bất động sản có thể được giải thích chủ yếu bởi việc tăng lãi suất vay thế chấp ở châu Âu để kiềm chế lạm phát.
"Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cần tăng lãi suất tương đối sớm và duy trì lãi suất đó cho đến ít nhất là giữa năm 2024. Chúng tôi hy vọng sẽ quay trở lại mức lạm phát 2% trong năm 2025," ông Kammer nói với CNBC.
Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ họp vào tuần tới, trong đó một số ý kiến cho rằng gần đây IMF đã gợi ý rằng việc tăng 50 điểm cơ bản là không thể bàn cãi. Thông tin lạm phát mới nhất trong khu vực đồng euro cho thấy tỷ lệ lạm phát chung (hay còn gọi là làm phát toàn phần) giảm từ 8,5% trong tháng 2 xuống 6,9% trong tháng 3. Lạm phát cơ bản, loại trừ chi phí năng lượng và lương thực, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
"Không có gì tệ hơn bằng việc tạm dừng nỗ lực chống lạm phát quá sớm hoặc từ bỏ nó quá sớm", ông Kammer nói.
Tại Thụy Điển, nơi giá nhà đã giảm đáng kể trong năm ngoái, vì vậy ngân hàng trung ương có nhiều cơ hội hơn để tăng lãi suất. Theo số liệu mới nhất của IMF, lạm phát toàn phần được dự báo ở mức 6,8% trong năm nay và 2,3% trong năm tới. Bức tranh cũng tương tự ở Vương quốc Anh khi lạm phát toàn phần dự kiến 6,8% trong năm nay. Giữa những dự báo này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng các ngân hàng trung ương không có lựa chọn nào khác ngoài việc thúc đẩy các đợt tăng lãi suất tiếp theo.
"Lạm phát cơ bản cao và có khả năng dai dẳng hơn dự kiến, vì vậy đòi hỏi chính sách tiền tệ phải thắt chặt cho đến khi lạm phát cơ bản có thể quay trở lại các mục tiêu lạm phát do ngân hàng trung ương đặt ra", IMF khẳng định./.
Cẩm nang doanh nghiệp Việt - https://camnangdoanhnghiep.vn/. All Right Reserved
https://camnangdoanhnghiep.vn/. giữ bản quyền trên website này
Email: mediavietnam9999@gmail.com